Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

VIETTEL & ĐỒNG TÂM

Chính Danh

Một điều ít người biết, đó là đơn vị đóng vai trò then chốt nhất trong quy hoạch thiết kế Seoul - thủ đô của Hàn Quốc, chính là Bộ Quốc Phòng của nước này. Vì với vị thế không chỉ là trung tâm kinh tế, mà còn là đầu mối giao thông vận tải nơi tập trung những tuyến đường huyết mạch toả khắp đất nước, một khi Seoul bị thất thủ, thì toàn bộ Hàn Quốc sẽ sụp đổ và bị chiếm đóng lâu dài, cực khó để giành lại.
Đây là một thành phố hiếm hoi được thiết kế vận hành trong cả thời bình lẫn thời chiến. Seoul được bao quanh bởi một loạt các thành phố vệ tinh, một trong số đó là Ilsan - thành phố mà bộ binh Triều Tiên bắt buộc phải hành quân qua nếu chiến tranh nổ ra. Từ những năm 90, Ilsan đã được quy hoạch với những block chung cư chọc trời hình chữ C đặc trưng cực kỳ kiên cố với kết cấu bê tông thép bất-bại, đóng vai trò như những pháo đài phòng thủ khi có chiến tranh, cung cấp nơi trú ẩn và phản công cho lực lượng pháo tự hành vốn thua kém về số lượng của Hàn Quốc, đây là chiến thuật fight and hide, câu giờ chờ lực lượng tiếp viện và tổng động viên. Bộ Quốc Phòng nước này đã đưa ra kịch bản trong trường hợp xấu nhất, thì Ilsan sẽ là một Stalingrad của Hàn Quốc. Giải pháp Ilsan chỉ là một trong hàng nghìn sự dính líu của những chiến lược gia áo rằn ri trong sự bảo đảm an ninh, thịnh vượng cho Seoul. Thành công của kinh tế Hàn Quốc, chắc chắn không thể bỏ qua tầm nhìn và sự đóng góp trí tuệ của giới tinh hoa quân đội. Sự liên quan của quân đội vào kinh tế, chính sách và cả sự phát triển của khoa học kỹ thuật là hoàn toàn bình thường ở nhiều quốc gia, mà hiệu quả của nó thường là tích cực.

Các thành tựu phát triển của thông tin, liên lạc, cơ khí chế tạo, hoá chất, vận tải... đều có mối quan hệ biện chứng với sự cạnh tranh về ưu thế quân sự giữa các nước. Trên thực thế những bước nhảy vọt vĩ đại nhất về khoa học kỹ thuật đều ra đời vào nửa sau thế kỷ 20 khi 2 siêu cường chĩa 70.000 đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ của nhau, kéo theo nhu cầu phát triển những công nghệ mới đã định hình thế giới ngày nay: Siêu máy tính, GPS, công nghệ nano và đương nhiên, internet.

Nước Đức xây hệ thống đường sắt lớn nhất Châu Âu từ thế kỷ 19 vốn chỉ để phục vụ chuyển quân, phát triển luyện kim để đúc pháo Krupp và xây những nhà máy hoá chất để sản xuất khí mù tạc nã vào đất Pháp, rồi sau này chính những nền tảng phục vụ quân sự, đã giúp nước Đức trở thành cường quốc công nghiệp vô địch trên thế giới. Và chắc cũng không cần phải nói nhiều về Israel, nơi tinh thần start-up được khai sinh từ nòng súng. Những chuyên gia thuộc quân đội, bị thôi thúc bởi nhu cầu thực tiễn trên chiến trường, chỉ trong vài thế hệ đã biến miếng đất cằn cỗi giữa sa mạc trở thành trung tâm của sáng tạo và công nghệ cao.

Việt Nam trong giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ, mọi nguồn lực đều đã được huy động cho công cuộc làm giàu, bao gồm cả quân đội, với điển hình là Viettel. Bằng tính kỷ luật cao độ và uy tín của lực lượng vũ trang, doanh nghiệp này đã nhanh chóng vươn lên đứng đầu đất nước trong nhiều lĩnh vực. Đó là thành công đáng trân trọng.

Thời gian gần đây, một sự vụ liên quan đến giải toả đất đai để thực hiện dự án quốc phòng cho quân đội, mà Viettel đã được giao nhiệm vụ triển khai đã trở nên căng thẳng, nhiều người quá khích thậm chí đã vượt qua lằn ranh luật pháp khiến chính quyền phải vào cuộc, sự việc đã hạ nhiệt bằng lời hứa thanh tra, rà soát lại kỹ càng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả người dân lẫn doanh nghiệp liên quan. Suốt trước và trong sự vụ, Viettel đã tiếp xúc và tiến hành giải quyết đúng theo trình tự như một doanh nghiệp khi đối mặt với tranh chấp đất đai, không hề có hành động nào quá giới hạn đối với người dân địa phương. Vì suy cho cùng, dự án quốc phòng được xây dựng để bảo vệ ai, nếu không phải là nhân dân? Nhưng đáp trả lại thiện chí đó, thì một số người khi đúng sai còn chưa ngã ngũ, đã nhanh chóng kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp, vì một lỗi duy nhất mà họ mắc phải, đó là trót có đủ tiềm lực và độ tin cậy để thực hiện các dự án tối mật cho quốc phòng.

Lướt một vòng qua những bài kêu gào tẩy chay Viettel, vẫn là những khuôn mặt quen thuộc với những lý luận ngu xuẩn nhàm tai kiểu như Viettel dựa vào ưu thế doanh nghiệp quân đội để bành trường thị phần. Nhưng họ lại lờ đi sự thật rằng ngoài Việt Nam, Viettel còn đang kinh doanh ở 9 thị trường khác trên thế giới với doanh thu 1,5 tỉ USD trong năm ngoái chỉ riêng từ thị trường ở hải ngoại, mác "quân đội" liệu có giúp gì cho việc kinh doanh của Viettel ở Đông Timor hay Tanzania? Và cũng đừng quên ngoài nhiệm vụ kinh doanh, Viettel còn phải ôm đồm vô vàn trách nhiệm mà không một doanh nghiệp nào muốn hoặc đủ khả năng đảm nhận.

Trong thời bình, Viettel là đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế, kết nối viễn thông, liên lạc với những vùng xa xôi, đóng góp cực lớn cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo môi trường làm việc tốt và thu nhập cực cao cho nhân viên. Trong thiên tai, vẫn là Viettel giữ vai trò cứu hộ, khắc phục hậu quả thiệt hại về người và của. Nếu chiến tranh nổ ra, thì vẫn cũng chỉ là Viettel xung phong trong nhiệm vụ hậu cần, công binh, do thám và sản xuất thiết bị vũ trang. Viettel là một doanh nghiệp, và đang thực hiện một nhiệm vụ liên quan đến an ninh quốc phòng.

Một dự án cấp A1 thuộc quân đội thì chắc chắn đã qua hàng trăm lần kiểm tra và không thể có sai sót trong khâu thẩm định mặt bằng. Vị trí đặt nhà máy cũng đã được tính toán cẩn thận, vì những dự án sản xuất cho quốc phòng luôn phải đặt ở những địa điểm được bảo vệ tốt nhất để tránh không kích, phá hoại, cụ thể ở đây là nằm trong trận địa S300 phòng thủ Hà Nội, chứ có phải sản xuất bỉm tã trẻ em đâu mà thích đặt đâu thì đặt, hả các bạn? Mang an ninh đất nước ra câu like, là ngu xuẩn.


Mong sao có ngày Viettel sản xuất ôxy, để những người đang kêu gọi tẩy chay cùng rủ nhau ngừng hít thở, đó hẳn là cái phúc nghìn năm cho dân tộc vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét