Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Toàn cảnh sự kiện Đồng Tâm… cập nhật


sự kiên đồng tâm.png
     Những ngày qua, sự kiện Đồng Tâm đã làm rúng động dư luận xã hội khi một số đối tượng quá khích của xã này tiến hành bắt giữ 20 chiến sĩ cảnh sát cơ động khi đang thi hành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và một số cán bộ chính quyền cơ sở. Được biết, số lượng con tin tính đến thời điểm hiện tại do người dân Đồng Tâm “bắt giữ trái phép” đã lên tới 41 người. Mọi chuyện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Đồng Tâm liệu có thể trở thành “làng Nhô” như đã từng diễn ra trước đây hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các cấp chính quyền và tinh thần “thiện chí” của người dân xã này.
     Theo thông tin được báo chí và nhiều trang mạng xã hội đăng tải, nguồn gốc của sự kiện Đồng Tâm được cho là tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Với những thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn, tác giả mong muốn cung cấp cho công chúng cái nhìn đúng đắn, đầy đủ và toàn diện về sự việc “đáng tiếc” trên.
      Được biết, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bàn giao khu đất với diện tích 208 ha cho Bộ Quốc phòng để phục vụ việc xây dựng xây bay quân sự Miếu Môn. Khu đất này được xác định bằng 16 mốc giới. Tuy nhiên, do Bộ Quốc phòng gặp vấn đề khó khăn về tài chính nên dự án này chưa được triển khai. Năm 2010, UBND TP Hà Nội ra quyết định bàn giao khu đất nói trên cho Quân chủng Phòng không – Không quân của Bộ Quốc phòng tiếp tục sử dụng và làm vị trí đóng quân của một đơn vị quân đội. Đơn vị quân đội này đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 (thời hạn giao đất lâu dài, không thu tiền thuế). Năm 2015, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định về việc thu hồi 50,3 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không – Không quân đang quản lý giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp tục sử dụng.
      Những tưởng mọi chuyện đã rõ ràng, tuy nhiên, một số người dân xã Đồng Tâm vẫn cố tình chiếm dụng đất trái phép thuộc dự án nói trên, ngoài việc liên tục đâm đơn khiếu kiện ở nhiều nơi, số này tiến hành nhiều hoạt động quá khích ngăn cản việc triển khai dự án của Tập đoàn Viettel trên khu đất thuộc Bộ Quốc phòng quản lý nói trên. Tâm điểm của sự việc này là vào ngày 15/4 vừa qua, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội triển khai bắt 4 đối tượng chủ mưu, cầm đầu với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” thì đám đông người dân tập trung bao vây, không cho xe ôtô của lực lượng chức năng ra khỏi địa bàn. Một số đối tượng quá khích đã kích động người dân đập phá 5 xe ôtô, bắt giữ trái phép 34 chiến sĩ Công an thành phố.
      Tính đến thời điểm hiện tại, người dân đã bắt giữ 41 người, trong đó có 26 cán bộ, chiến sĩ công an (trong đó có cả Phó trưởng Công an huyện, Trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động); 6 cán bộ trong Ban giải tỏa giải phóng mặt bằng, 01 cán bộ Ban Tuyên giáo huyện, 5 cán bộ thôn, xã và 02 nhà báo. Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành đàm phán với người dân song chưa đạt được sự đồng thuận bởi những yêu sách của người dân là “không thể chấp nhận” được.
       Sự kiện Đồng Tâm trở thành điểm nóng trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thiết nghĩ, đúng sai không phải là câu chuyện có thể khẳng định một sớm một chiều. Tuy nhiên, rõ ràng với việc bắt giữ người trái pháp luật, có những hành động ngăn cản việc thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, chiếm giữ trái phép đất thuộc dự án phục vụ quốc phòng – an ninh, có thể thấy lẽ phải không đứng về phía người dân trong trường hợp này.
       Một số cư dân mạng hài hước cho rằng, may phúc cho những người dân xã Đồng Tâm bởi đất nước mà họ đang sống là Việt Nam mà không phải là Mỹ. Nếu ở Mỹ, với những việc làm tương tự, rất có thể phần đông những kẻ thực hiện những hành động dại dột đó đã không có cơ hội “nhìn ngắm cuộc đời”. Hơn lúc nào hết, cần sự phán xét và tiếng nói chung của dư luận.

         Gia Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét