--- Dương Bình Minh ---
Những gì vừa diễn ra ở Hà Tĩnh vào đầu tháng tư này gợi cho tôi liên tưởng đến lời trong Kinh Hòa Bình - một bài kinh nguyện khá phổ biến trong cộng đồng Kitô giáo; lời văn của bài kinh này được cho là của Thánh Phanxicô thành Assisi sống vào thế kỷ 13. Rằng:
"Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục Ðem an hoà vào nơi tranh chấp..."
Vậy mà kẻ khoác áo tu hành có phẩm trật như Nguyễn Đình Thục và số đối tượng cầm đầu chống đối chính quyền - hầu hết là Kitô hữu - thời gian qua đã đi làm những việc trái pháp luật, trái lẽ đời và trái với đường hướng của đạo pháp.
Với hành vi biến những giờ giảng đạo trong nhà thờ thành buổi tuyên truyền xuyên tạc về chế độ, kích động giáo dân biểu tình và trực tiếp tham gia gây rối, ngang nhiên chặn xe trên Quốc lộ 1A, chiếm trụ sở UBND huyện, hạ cờ Tổ quốc v.v... thì rõ ra là họ đã đem oán thù vào nơi yêu thương, đem tranh chấp vào nơi an hòa và biến một số đạo hữu mà lẽ ra họ có bổn phận chăn dắt để biết "mến yêu và phụng sự Chúa" trở thành "khí cụ" để làm loạn.
Phải chăng Nguyễn Đình Thục và số cầm đầu chống đối ấy thực chất là những kẻ Pharisêu chuyên thói giả hình mà Đức Kitô đã tố cáo bằng những từ ngữ nghiêm khắc nhất?
Thói giả hình ấy biểu hiện ở chỗ dù mỗi ngày các vị đọc kinh tới năm lần: kinh sáng (lúc mặt trời mọc), kinh Ba (giữa sáng và trưa), kinh Sáu (lúc mặt trời đứng bóng), kinh Chín (giữa trưa và lúc mặt trời lặn), kinh Chiều (lúc mặt trời lặn); bộ Thánh kinh dày cộm, một con lạc đà chở không hết, nhưng các vị nhớ từng lời từng chữ trong ấy; luật của Môsê nhiều như tóc trên đầu, thế mà các vị trích dẫn câu cú đâu vào đấy; một trăm năm mươi Thánh vịnh, mỗi Thánh vịnh có bao nhiêu câu, mỗi câu có bao nhiêu từ, các vị đều thuộc nằm lòng; lúc nào các vị cũng dựa vào Thánh kinh mà lý luận; nhưng quay gót là làm trái lời kinh, trái lề luật. Nếu biết thêm rằng trong quy định “Cách riêng về Giáo hội” (Giáo luật, tập 27, chương X) ghi: “Không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo hội”; thì rõ ràng các vị không theo lời kinh, không theo giáo luật; mà chỉ theo danh và lợi cá nhân. Để có danh và lợi, các vị phải mượn cái đức làm màn che.
Trở lại cái mà - theo chúng tôi - Nguyễn Đình Thục và những đồng lõa của y đáng được gọi đúng tên: Pharisêu gian ác và kiêu căng tột độ; tự phụ, đặt điều và luôn tự ấn định những chứng cứ theo ý riêng mình ... thì ngay cả tấm lòng nhân từ rộng lớn của Đức Giêsu vẫn phải có giới hạn. Bởi nếu vượt qua thì lòng nhân hậu ấy sẽ thành sự khờ dại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét