Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

VỤ VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI TẠI XÃ ĐỒNG TÂM, HUYỆN MỸ ĐỨC DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA LUẬT SƯ

 Thời gian vừa qua, trên nhiều trang tin trong và ngoài nước có đưa tin về vụ việc người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Thành Phố Hà Nội bắt giữ hơn 20 chiến sỹ cảnh sát cơ động, các cán bộ huyện Mỹ Đức và một số phóng viên báo chí. Thậm chí có thông tin người dân bắt trói và tẩm xăng dọa đốt những chiến sỹ và cán bộ, phóng viên bị bắt. Với tư cách là một Luật sư, là một người chuyên nghiên cứu về Luật, tôi có một số ý kiến về vụ việc này như sau:

Trước hết, như thông tin các cơ quan truyền thông đã đưa, vụ việc này liên quan đến diện tích đất mà một số người dân chiếm dụng, sử dụng là đất thuộc phạm vi đất quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý và đã được các cơ quan chức năng cắm mốc phân định rõ địa giới. Nhưng do dự án chưa được triển khai, thấy đất trống, nhiều người dân thôn Hoành, xã Đông Tâm đã tự động chiếm dụng đất trên để sử dụng đất trên.

Về thông tin này, hành vi trên của người dân là chiếm dụng, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi đất quốc phòng nói trên đã vi phạm khoản 1, điều 12, Luật Đất đai năm 2013: lấn, chiếm, hủy hoại đất đai và khoản 2, điều 12, Luật Đất đai năm 2013: Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Đối với đất quốc phòng, an ninh không một cá nhân, tổ chức nào được phép chiếm dụng. Và kể cả đất nông nghiệp, nhà ở của cá nhân, tổ chức mà Nhà nước xét thấy cần trưng dụng để sử dụng cho mục đích Quốc phòng, an ninh thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải chấp hành chứ không nói đến chiếm dụng đất quốc phòng an ninh, cản trở thực hiện dự án quốc phòng an ninh của người dân thuộc xã Đồng Tâm. 

Đối với việc người dân Thôn Hoành, Xã Đồng Tâm bắt giữ hơn 20 chiến sỹ cảnh sát cơ động và nhiều cán bộ huyện đồng tâm và phóng viên báo chí, thì theo tôi, những người tiến hành hoạt động bắt giữ người trên đã đi quá xa và vi phạm nghiêm trọng các điều luật của pháp luật hình sự, điều đó dẫn đến họ có thể bị truy tố trước pháp luật. Cụ thể những người tham gia hành vi bắt giữ người trên có thể bị truy tố các tội danh sau:

Thứ nhất: Hành vi người dân tự tập đông người, căng băng rôn, khẩu hiệu, dùng loa kêu gội, kích động người dân cản trở hoạt động bình thường của chính quyền đã phạm vào theo điều 245 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: Tội gây rối trật tự công cộng. Với tội danh này người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 7 năm.

“Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.”
(Trích Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)
 
Thứ hai: Hành vi dùng vũ lực cản trở không cho các chiến sỹ cảnh sát cơ động đi làm nhiệm vụ, tịch thu trang bị, vũ khí của các chiến sỹ cảnh sát cơ động và cán bộ huyện Mỹ Đức là phạm vào 257 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: Tội Chống người thi hành công vụ. Và khung hình phạt của tội này là từ 06 tháng đến 07 năm.

    “Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
(Trích Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

   
 Thứ Ba: Hành vi bắt giữ 20 chiến sỹ cảnh sát cơ động và nhiều cán bộ huyện Mỹ Đức và các phóng viên vi phạm điều 123 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Với tội danh này khung hình phạt từ 03 tháng đến 05 năm. 

“Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
(Trích Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)
 
Như vậy, với các hành vi trên những người tham gia bắt giữ người ở thôn Hoành, xã Đông Tâm, huyện Mỹ Đức có thể phạm vào 3 điều trên. (Nếu có hành vi tẩm xăng dọa đốt những người bị bắt thì vi phạm thêm điều 103 bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009: Tội đe dọa giết người. Với khung hình phạt từ 03 tháng đến 7 năm). Với tổng khung hình phạt ba tội trên từ 01 năm đến 19 năm tù giam. Do đó với tư cách một chuyên gia Luật tôi nhận thấy vụ việc tại thôn Hoành, Xã Đồng Tâm là một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật. Do vậy, những người dân thôn Hoành nên ngay lập tức trả tự do cho những người bị bắt giữ, đồng thời trả lại toàn bộ tài liệu, trang bị, vũ khí cho những cán bộ, chiến sỹ bị bắt giữ để hưởng khoan hồng của Pháp luật, giảm nhẹ vi phạm của mình. Đừng vì lợi ích và sự kích động của người khác mà vô tình vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền và phải chịu hình phạt nghiêm khắc của Pháp luật. Chúng ta là người dân xã hội chủ nghĩa, chúng ta không hiến đất xây trường học, công sở như cha ông trước kia thì cũng đừng chiếm dụng đất quốc phòng làm của riêng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét