Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI CHUNG TAY XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

--- Nguyễn Chiến Thắng ---

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” điều này được khẳng định trong Điều 18 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, đồng thời cho thấy vị trí cũng như tầm quan trọng đặc biệt của họ đối với Nhà nước ta, với cộng đồng dân cư trong nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có gần 4 triệu người làm ăn, sinh sống rải rác ở gần 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, như Bắc Mỹ, Oxtraylia, Tây Âu (Pháp, Đức), Nga và các nước Đông Âu, các nước Châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc…).
Kết quả hình ảnh cho Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chung tay xây dựng đất nước
Người Việt Nam ở nước ngoài đa phần luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam, ảnh minh họa
Trong lịch sử nước ta cũng như trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều cuộc di cư tạo ra dòng di cư từ trong nước ra các nước ngoài hoặc có thể là dòng di cư trong cùng một quốc gia, lãnh thổ. Lịch sử Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến thế kỷ 21 cũng có những cuộc di cư như thế nhưng trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin phép chỉ đề cập đến việc di cư từ trong nước ra nước ngoài, từ đó hình thành Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể nói cuộc di tản sau năm 1975 khi chế độ Việt Nam Cộng hòa thất bại là cuộc di tản lớn và cho đến nay, nó vẫn được các thế lực thù địch sử dụng như một cách để chia rẽ nhân dân ta - những người tuy có sự khác nhau về lý tưởng, về chế độ nhưng suy cho cùng vẫn là những người con đất Việt.
Nói về những cuộc vượt biên, di tản không ít các tài liệu, bài báo của những người “ở phía bên kia” cho rằng họ phải ra đi vì sự độc ác của chế độ Cộng sản, vì những chính sách trả thù tàn bạo của “những người Cộng sản vô lương”. Họ cho rằng tương lai chỉ có tù đầy, thù hận và dối trá.… Nhưng có thể nói rằng, hàng chục năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn hết sức, hết lòng vì sự đoàn kết dân tộc, sự hòa hợp dân tộc giữa đồng bào các dân tộc trong nước, giữa kiều bào Việt Nam ở hải ngoại cùng hướng về quê hương trước những âm mưu chống đối, những lời xuyên tạc, bịa đặt của những người có tư tưởng thù hằn dân tộc.
Ông Nguyễn Cao Kỳ - Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1967 - 1971 trong một lần về thăm quê hương khi được phóng viên báo chí hỏi ông có kế hoạch gì ở Việt Nam để thể hiện mong muốn dùng chuyến đi của mình để biểu lộ tinh thần hòa hợp dân tộc, ông Kỳ đã trả lời: “Những nhóm người hải ngoại ở Mỹ quen sống “kiểu Mỹ” cho nên vấn đề gì họ cũng có thể có ý kiến chống đối. Tôi sống gần họ nên tôi hiểu đa số người VN trầm lặng ở hải ngoại họ rất thông cảm và chấp nhận những gì mà tôi đã nói và đề cập về quê hương. Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người mà giờ phút này, sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á. Thế mà lại có những kẻ vẫn muốn quay về chuyện dĩ vãng. Chuyện không tưởng”.
Không chỉ những người ở thế hệ trước có cái nhìn tích cực về vấn đề hòa hợp dân tộc mà hiện nay nhiều bạn trẻ được sinh ra và lớn lên ở Mỹ cũng thể hiện quan điểm đúng đắn về hòa giải dân tộc: “Tư tưởng chủ đạo của người Việt ở Mỹ rất bảo thủ, họ không thích Chính Phủ Việt Nam, họ còn giữ hệ tư tưởng của chế độ Sài Gòn, điều quan trọng là những người trẻ gốc Việt phải vượt lên tư tưởng đó. Giới trẻ phải hiểu lịch sử, lối suy nghĩ cũ tạo ra những sự chia rẽ không cần thiết giữa các thế hệ cũng như giữa Việt Nam với Mỹ”.
Cũng theo như một phát biểu của ông Nguyễn Cao Kỳ: “để tìm được sự đồng thuận trong vấn đề hòa hợp dân tộc thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một, đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề”.
Trên thế giới có không ít các quốc gia sau những cuộc chiến vấn đề hòa giải dân tộc không thực sự được đặt lên hàng đầu dẫn đến mâu thuẫn, thù hận dân tộc gây ra sự trì trệ trong tiến trình phát triển của một quốc gia. Trước nỗ lực của Đảng và Nhà nước, có thể thấy hiện nay đã có rất nhiều chính sách đối với Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bên cạnh đó hàng năm Kiều bào sống xa quê cũng có những sự quan tâm đặc biệt đối với đất nước, những đóng góp của họ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh trong giai đoạn hiện nay là không hề nhỏ.
Phát biểu tại bế mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh: “Những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tại Hội nghị lần này, đại diện cho tiếng nói của gần 4,5 triệu kiều bào trên khắp thế giới, sẽ được ghi nhận và chuyển tải đầy đủ, chi tiết trong báo cáo của Hội nghị gửi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Đây sẽ là cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến người việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hội nhập thành công vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.

Có thể nói rằng, người Việt Nam ở nước ngoài rời khỏi quê hương vì nhiều mục đích khác nhau nhưng chắc chắn trong sâu thẳm mỗi con người ai cũng đều mang trong mình tình yêu tha thiết đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy rằng hiện nay vẫn còn không ít những người có tư tưởng chống đối, luôn “hoài niệm”, luôn mong chờ sự phục hưng của chế độ cũ nhưng điều quan trọng nhất là dù ở chế độ nào mà cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc, quê hương đất nước phát triển thì đó mới là điều chúng ta nên hướng tới. Vì thế, với tinh thần hòa hợp, hòa giải, người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài phải cùng chung tay “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì một Việt Nam hùng cường, giàu đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét