Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

AI LẠM DỤNG GIẤY TRIỆU TẬP

--- Nguyễn Chiến Thắng ---

Trên trạng petronews.vn có đăng bài viết “Đừng lạm dụng giấy triệu tập” của tác giả có xưng danh là Luật sư Nguyễn Kiều Hưng. Sau khi đọc bài viết trên với kiến thức luật học hạn hẹp của mình, tác giả xin đóng góp một vài ý nhỏ để độc giả có cái nhìn đúng đắn về giấy triệu tập của cơ quan điều tra.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Bài viết của Luật sư Nguyễn Kiều Hưng đăng trên petronews.vn
Thứ nhất, ở phần dẫn vào bài, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng có nêu: “Giấy triệu tập được phát hành ngay cả khi chưa có một vụ án hình sự được khởi tố”. Luật sư cũng viết, hiện pháp luật cũng chưa có văn bản nào cho phép cơ quan Công an dùng Giấy triệu tập để triệu tập công dân khi chưa có quyết định khởi tố vụ án. Điều này có gì sai, Thông tư liên tịch số: 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, thì giấy triệu tập có thể được gửi đi trước khi khởi tố nhằm làm rõ vụ án để xem xét có khởi tố hay không?
Thứ hai, trong bài viết Luật sư Nguyễn Kiều Hưng còn cho rằng: “Có vụ việc dấu hiệu hình sự không có hoặc rất mờ nhạt, như tranh chấp hợp đồng vay tiền, người đi vay hay bị cơ quan công an triệu tập đến làm việc, có vụ cán bộ điều tra kiêm luôn “hòa giải viên cơ sở” để “vận động” hai bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Và không ít vụ, vì tâm lý ngại dính dáng đến pháp luật, nên rất nhiều vụ hòa giải thành công theo con đường này”. Vậy trường hợp này, việc gửi giấy triệu tập là hoàn toàn hợp lý, đúng theo quy định chứ tại sao lại không nên gửi giấy triệu tập.
Thứ ba, ngài Luật sư nói trong bài viết rằng: “Giấy triệu tập là một biểu mẫu tố tụng và áp dụng trong những trường hợp luật định, nên không ai được phép lạm dụng nó”. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 6 nêu trên, tại Điều 10, điểm b, thì Điều tra viên được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có những nhiệm vụ và quyền hạn Triệu tập và lấy lời khai của những người có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh nguồn tin. Như vậy, Cơ quan điều tra cũng như điều tra viên không hề lạm dụng giấy triệu tập.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng chỉ ra một vấn đề đúng: “Người Á Đông vốn rất ngại làm việc với công an, cứ thấy công an đến nhà hay có Giấy triệu tập là bắt đầu thấy lo lắng, thông tin này cũng sẽ bị đồn thổi rất nhanh đến những người xung quanh và người bị triệu tập làm việc với công an cũng gặp không ít phiền toái trong công việc và cuộc sống từ tờ giấy Giấy triệu tập này.” Thật vậy, từ “triệu tập” rất nặng nề với người dân, khi bị cơ quan Công an triệu tập, người ta hay liên tưởng đến tội phạm, bắt bớ và tù tội. Ít ai hiểu được “triệu tập” là một hoạt động bình thường trong Tố tụng hình sự được áp dụng cả với người không có hành vi phạm tội.  
Qua một vài trao đổi nhỏ nêu trên, mong muốn của tác giả là làm rõ một số điểm chưa rõ liên quan đến Giấy triệu tập. Cũng theo quan điểm của tác giả, Cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng nên giáo dục vận động người dân hiểu rõ hơn về pháp luật để có cái nhìn đúng đắn hơn với Giấy triệu tập của Cơ quan điều tra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét