Nguồn: Sưu Tầm
Dân
ta có một tinh thần "bài Luật" rất rõ nét. Đó là truyền thống bất khả
cải tạo của dân làng ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi có những tranh chấp cho dù là
lớn hay nhỏ, trước nguy cơ quyền lợi cá nhân hoặc dòng họ sắp bị ảnh hưởng, thì
tinh thần ấy lại càng mãnh liệt, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to
lớn, nó lướt qua mọi quy định Pháp luật, nó nhấn chìm tất cả các Cơ quan bảo vệ
pháp luật hay bè lũ Luật sư vớ vẩn mon men.
Tinh thần "bài Luật" của dân làng ta
bộc lộ ra ở rất nhiều câu thành ngữ đã được truyền dạy từ đời này qua đời khác,
chẳng hạn như "Con kiến kiện củ khoai", "Nén bạc đâm toạc tờ giấy"
hay "Chờ được vạ thì má đã sưng ", rồi lại còn thêm câu châm ngôn:
"Vô phúc đáo tụng đình". Cứ theo đó mà suy, thì dân làng ta vốn xem
việc dính dáng đến Pháp luật là một việc vô cùng xúi quẩy.
Từ
bao đời nay, trong tâm tưởng dân làng ta luôn luôn thấm đượm nhời dạy bảo bất hủ
của các bậc tiền hiền: "Phép vua phải thua lệ làng". Già trẻ, nhớn
bé, gái trai làng ta đều thuộc nằm lòng bí quyết ấy. Chính cái lệ làng đó tạo
nên một bức tường thành bất khả xâm phạm, không cho phép Pháp luật của nhà nước
được bén mảng qua khỏi chiếc cổng làng ta.
Làng
ta là một làng ít văn hóa nhưng rất nhiều văn hoa, biết bao thế hệ trong làng
đã luôn kín đáo sống chan hòa với nhau, vì thế nếu lỡ hoặc thường xuyên có mâu
thuẫn với nhau thì phải tích cực giải quyết theo phương châm "Tốt khoe xấu
che", tránh tình trạng "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường".
Các
bên nếu có bất đồng quan điểm cần tuyệt đối bảo vệ và phát huy mạnh mẽ quyền tự
xử, chống mọi sự can thiệp của Pháp luật. Bất kì mọi sự tranh chấp xảy ra với
hàng xóm hoặc họ hàng, từ việc nhỏ như mất con gà nhép đến việc hệ trọng như việc
âm thầm di dời cái hàng rào vào nửa đêm, các đối tác chiến lược tuyệt đối không
được manh động dẫn nhau ra kiện cáo nhau tại Ủy ban xã mà làm cho vong linh các
cụ Thành hoàng làng ta phải tủi hổ. Hãy điềm tĩnh, nhẹ nhàng cùng nhau hòa giải
thông qua các công cụ hỗ trợ như mìn tự tạo, súng tự chế, hoặc a xít hoặc dao
hoặc búa bổ củi, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, thì bất cứ cái gì tiện tay vớ
được.
Lệ
làng ta, trong mỗi gia đình, cha con hoặc anh em đều có quyền tự do xử lý việc
tranh chấp thừa kế bằng dao phay hoặc chí ít là nắm đấm. Tờ di chúc được công
chứng, nếu có, chỉ nên được xem như tờ giấy lộn, chính là bởi ở chỗ nó đã được
công chứng. Nói trước, đây là việc "Anh em trong nhà đóng cửa bảo
nhau", "Đèn nhà ai nhà ấy rạng", đm thằng nào can ông đâm chết mẹ.
Làng
ta là một làng có quá khứ hào hùng trong công cuộc bảo vệ gái làng và bảo vệ
chó. Việc xử lý với bọn trai làng Nhô lâu nay hay vào gạ gẫm gái làng ta cần được
tổ chức thực hiện bình đẳng y như đối với bọn trộm chó. Nếu bắt được đứa nào
hãy mau chóng huy động toàn bộ nam phụ lão ấu, tẩn cho kì chết rồi đốt xe máy để
phi tang. Nhớ là "Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", phải đánh cho kì chết để
nó không thể nhận mặt đứa nào là kẻ đánh đầu tiên (chủ mưu) hoặc sau cùng (tác
động trực tiếp). Đừng lo, nếu có bị cơ quan Pháp luật của triều đình tiến hành
điều tra, lệ làng ta cho phép vận động cả các cụ cận tử lẫn các cháu sơ sinh
cùng đứng ra nhận tội tập thể.
Cùng
lắm, thì làng ta sẽ tổ chức bắt cóc con tin, để đổi lấy lời cam kết không truy
tố hình sự cả làng. Cam kết đó chính là biểu hiện sâu sắc nhất của tinh thần Lệ
làng luôn luôn được đặt lên trên Phép nước.
Tự
hào biết bao, trong những năm qua, đất làng ta càng ngày càng mở rộng, nay đã
vào đến tận đất quy hoạch sân bay, ấy chính là nhờ ở việc phát huy truyền thống
ngồi xổm lên Luật pháp của dân làng ta.
Xin
chúc tinh thần "bài Luật" của làng ta ngày càng phát triển, cao hơn,
cao nữa, cao mãi, nhất là kể từ khi có sự lãnh đạo của cụ Kềnh và các cụ trong
nhóm Đồng phạm.
Lớp
măng non chúng cháu xin nguyện tiếp bước cha ông mình, với tất cả tình yêu truyền
thống làng ta, Và trên hết, là tình yêu đất cát nồng nàn !
***
Tác giả bài văn: Đình Kễnh, cháu đích tôn, học sinh lớp 6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét